Điện mặt trời: Đầu tư sớm sinh lời nhanh – Soltech
ENV khuyến khích người dân đầu tư điện mặt trời hòa lưới
Trong những năm gần đây, việc khai thác và sử dụng điện năng lượng mặt trời bất ngờ lan rộng và phổ biến hơn trước. Song song với nó là tình trạng thiếu điện nghiêm trọng do không đủ nguồn cung từ Tổng Công ty Điện Lực (EVN). Vì vậy, EVN đang liên tục triển khai tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn điện cho sinh hoạt và sản xuất. Đồng thời khuyến khích người dân lắp đặt điện năng lượng mặt trời nối lưới. Tổng công ty còn phổ cập cho người dân về quy trình lắp đặt cũng như yêu cầu kỹ thuật để nối lưới vào hệ thống lưới điện của tổng công ty.
Về phía các doanh nghiệp tại TPHCM, EVN còn kiến nghị cho thành phố chỉ đạo lên các khu chế xuất và khu công nghiệp, đơn vị thụ hưởng ngân sách Nhà nước, ban quản lý khu công nghệ cao vận động các đơn vị, trường học, bệnh viện, các cơ quan hành chính sự nghiệp,… chủ động lắp đặt hệ thống điện mặt trời hòa lưới tại đơn vị.
Đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời sớm khả năng sinh lời rất cao
Tính đến năm 2019, EVN đã xây dựng hoàn chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật để đánh giá các thiết bị trong hệ thống, kiểm tra miễn phí cho người dân và lắp đặt công tơ hai chiều để tính hóa đơn tiền điện. Bộ Công thương và Bộ Tài chính cũng đã chính thức ban hành các văn bản hướng dẫn và quy định về thuế GTGT và phát hành hóa đơn điện trong việc sử dụng điện năng lượng mặt trời hòa lưới trên của người dân và doanh nghiệp tư nhân. Hiện nay, theo Thông tư 05/2019/TT-BCT ngày 11/03/2019, giá ngành điện mua lại điện mặt trời từ người dân trong năm 2019 là 2.134 đồng/kWh. Với mức giá này, trung bình chủ đầu tư sẽ thu hồi lại vốn sau từ 8 đến 10 năm. Sau khoảng thời gian đó, chủ đầu tư hoàn toàn được hưởng lợi vì tuổi thọ của hệ thống pin rất bền từ 25 – 30 năm.
Tiềm năng khai thác năng lượng mặt trời tại TPHCM
Chỉ riêng khu vực Nam Bộ, vào năm 2018 Ngân hàng Thế giới (WB) đã thực hiện khảo sát cho thấy tiềm năng điện mặt trời áp mái ở khu vực này ước tính đạt 6.700MW.
Từ mùa khô năm 2018 đến nay, Việt Nam liên tiếp gặp phải những đợt nắng nóng kỷ lục, đặc biệt là khu vực Nam bộ. Vì vậy, nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh tăng cao, đồng thời lại là cơ hội vàng để khai thác năng lượng mặt trời hiệu quả nhất. Ngoài phương án sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả thì xu hướng của thế giới hiện tại là tự cung cấp điện nhờ vào đầu tư nguồn năng lượng mặt trời. Nguồn điện từ mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo, hoàn toàn không gây hại với môi trường và không bị cạn kiệt như than đá hay dầu mỏ sử dụng trong nhiệt điện.
Tiềm năng thu điện mặt trời ở Thành Phố Hồ Chí Minh là rất lớn, nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp đã bắt đầu lắp đặt riêng cho mình hệ thống điện năng lượng mặt trời
Theo tính toán của chuyên gia, bình quân cứ 8m² trần phẳng sinh ra 1kWp, với mỗi kWp này, hệ thống có thể tạo ra được lượng điện năng từ 4 – 5kWh mỗi ngày. Hộ dân có sử dụng điều hòa thì trung bình tiêu thụ khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng, tức 500kWh, hệ thống pin năng lượng mặt trời phù hợp với hộ này là vào khoảng 4kWp. Chi phí đầu tư điện mặt trời hiện nay khoảng từ 22 – 30 triệu đồng/1kWp, vì vậy hộ này cần đầu tư hệ thống với giá khoảng 88 – 120 triệu đồng và diện tích mái phẳng đón nắng trực tiếp tối thiểu là 32m². Giá cả trên thị trường còn tùy thuộc vào nhà cung cấp, còn công suất cho mỗi gia đình cần được đo đạc trực tiếp và tính toán hợp lý, với một hộ gia đình sinh hoạt bình thường, công suất lắp đặt từ 2 – 5kWp là khá phù hợp và phổ biến.
Ưu điểm và nhược điểm của hệ thống
Ưu điểm của điện mặt trời mang lại rất nhiều lợi ích cho cá nhân và xã hội. Nó giúp tiết kiệm chi phí tiền điện, còn có thể tạo ra doanh thu do bán phần điện dư không sử dụng hết cho ngành điện, góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện hiện nay. Hệ thống hoàn toàn tự động không tốn thêm chi phí vận hành mà vẫn an toàn, tuổi thọ cao trong khi chi phí bảo trì thấp. Năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo, xanh – sạch – vô hạn, trong quá trình sản xuất, truyền tải không gây ra tiếng ồn và khói bụi, vì vậy sử dụng điện mặt trời là thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, nó cũng có những nhược điểm là cần thỏa nhiều điều kiện mới có thể đầu tư: cần không gian mái nhà đủ lớn, cao và không bị che khuất, khí hậu tại khu vực phải đảm bảo số giờ nắng cao. Chi phí đầu tư ban đầu cho một hệ thống khá lớn; hiệu quả của hệ thống đạt hiệu suất cao hay không phụ thuộc vào thời tiết, cây cối xung quanh và vị trí của các tòa nhà cao cũng gây ảnh hưởng.
Tình hình khai thác hiện nay tại TPHCM
Nhu cầu lắp đặt hệ thống khai thác năng lượng mặt trời của người dân TPHCM đang tăng mạnh hơn 3 lần so với năm trước dù mỗi hệ thống điện năng lượng mặt trời có giá trị khá lớn, lên đến vài trăm triệu đồng. Nhiều hộ dân còn đầu tư để bán điện, lắp đặt hệ thống công suất lớn để dư bán ngược lại cho ngành điện.
Hiện nay đã có hơn 3000 hộ gia đình và doanh nghiệp tư nhân trên toàn quốc đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời, chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Nam đặc biệt là TP.HCM, tính riêng miền Nam đã hơn 1400 hộ. Công suất đã tải lên lưới của toàn bộ các nhà đầu tư này đạt hơn 40MW, dự tính đạt 100MW vào cuối năm 2019, là con số rất nhỏ so với tiềm năng 6.700MW có thể khai thác.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều đơn vị lớn nhỏ cung cấp các thiết bị và giải pháp điện năng lượng mặt trời. Soltech là doanh nghiệp cung cấp các giải pháp năng lượng mặt trời uy tín, đã có kinh nghiệm lâu năm trong thiết kế hệ thống và lắp đặt. Soltech còn hỗ trợ khách hàng lắp đặt công tơ hai chiều để mang lại lợi ích kinh tế tối đa nhất.