Đã có 58 đơn vị sản xuất và hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời. Lãnh đạo tỉnh cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư và sử dụng nguồn năng lượng xanh.
Điện năng lượng mặt trời không chỉ trực tiếp giúp giảm tải cho hệ thống lưới điện quốc gia, mà còn tiết kiệm chi phí sinh hoạt cho người dân vô cùng tích cực.
PGĐ Công ty Điện lực Đồng Tháp – ông Đào Hữu Điền phân tích, ánh sáng mặt trời chuyển thành điện là nguồn năng lượng tái tạo, không bị giới hạn như các loại năng lượng hóa thạch như dầu mỏ hay than đá… Do vậy không chỉ mang đến năng lượng thiết yếu, giúp kiệm chi phí chi trả tiền điện cho EVN mà còn mang đến nguồn thu đều đặn vì có thể bán phần điện dư không sử dụng cho điện lực.
Thống kê cũng cho thấy khu vực miền Nam nước ta nằm trong vùng có bức xạ mạnh, số giờ nắng trung bình cao, khoảng 6 – 8 giờ/ngày, không chỉ vậy nắng còn liên tục suốt cả năm, dù mùa mưa sẽ vẫn có ngày nắng. Với chỉ số bức xạ 4 – 4,5 kWh/ngày/kWp là khá cao nên không thể phủ nhận tiềm năng phát triển, sử dụng và ứng dụng điện năng lượng mặt trời tại miền Nam là rất lớn.
Đồng Tháp nhân rộng mô hình lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời
Tính riêng tại tỉnh Đồng Tháp, số giờ nắng từ 2.200 – 2.500 giờ/năm, do vậy việc khai thác điện năng lượng mặt trời tại đây là vô cùng thích hợp. Về phía Công ty Điện lực Đồng Tháp, toàn bộ phần mái trụ sở cũng đã được triển khai lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, cho công suất lên đến 410 kWp.
Về phía khách hàng hộ gia đình, điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Nương đã không chỉ sử dụng điện mặt trời cho sinh hoạt mà còn ứng dụng để phục vụ sản xuất. Hiện là chủ sở hữu cơ sở kinh doanh và sản xuất bột tại Tp. Sa Đéc. Ông cho biết, thời điểm năm 2018, để đầu tư vào hệ thống điện năng lượng mặt trời đủ cho nhu cầu sản xuất ông đã phải bỏ ra kinh phí 154 triệu đồng. Nhưng ngay sau đó, mỗi tháng gia đình ông tiết kiệm được trên dưới 1 triệu đồng, nắng càng nhiều điện sinh ra càng nhiều và nếu có dư ông lại được bán ngược cho điện lực.
Còn tại Cụm Công nghiệp Vàm Cống, huyện Lấp Vò, Nhà máy năng lượng mặt trời Sao Mai của chủ đầu tư Tập đoàn Sao Mai đã hoàn thiện với công suất 1,06 MW. Khi nhà máy này đi vào hoạt động dự kiến sẽ giúp Sao Mai giảm đến 20% chi phí điện mỗi năm.
Không dừng lại ở đó, điện lực và các cơ quan ban ngành tỉnh Đồng Tháp vẫn đang đặt mục tiêu nỗ lực phấn đấu, mục tiêu để đến cuối năm 2019 sẽ đạt công suất 4.500 kWp từ nguồn năng lượng điện mặt trời.